Câu chuyện về thẻ hương màu xanh



Hồ Vị Xuyên, thành phố Nam Định
Tôi sinh ra ở thành phố Nam Định. Khi còn nhỏ, tôi thường nghe bố tôi nói "nhất nghệ tinh-nhất thân vinh". Lúc đó tôi cũng không hiểu lắm về ý nghĩa của câu nói này. 

Bố mẹ tôi xuất thân từ gia đình nông dân ở huyện Vụ Bản, Nam Định. Năm lên 9 tuổi bố tôi cùng với ông nội tôi ra thành phố Nam Đinh đi làm hương thuê cho một gia đình người Hoa.

Sau một thời gian bố tôi cùng với ông tôi quyết định thôi không đi làm thuê nữa mà tự sản xuất hương để bán. Trong thời gian đi làm hương thuê, bố tôi được ông nội  dạy cho nghề đông y. Khi bố tôi mất, tôi có tìm thấy trong số sách vở ông để lại có một quyển vở nhỏ do ông nội tôi để lại cho bố tôi. Đó là loại vở của học trò nhưng có đóng thêm bìa bảo quản bên ngoài trông rất cận thận. Thoạt xem, tôi nghĩ đây là cuốn sách thơ do ông nội tôi sáng tác. Khi đọc kỹ, tôi cực kỳ bất ngờ. Hóa ra, cuốn sách đó mô tả đặc điểm, tính chất của tất cả các vị thuốc cơ bản trong các bài thuốc cổ truyền và một số bài thuốc nữa. Tôi đoán, để bố tôi dễ học nên ông nội tôi đã soạn quyển sách này dưới hình thức có vần của thể thơ lục bát.  Mỗi trang là một bài thơ, mỗi bài thơ là một vị thuốc hoặc một bài thuốc do chính tay ông nội tôi viết bằng bút lưỡi gà, màu mực tím. Ngoài ra, tôi cũng thường thấy ông đọc cuốn " Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam " của Dược sỹ Đỗ Tất Lợi. Ngoài sách của Hải Thượng Lãn Ông, thì đây là quyển sách gối đầu giường của ông. Mặc dù không mở phòng mạch nhưng thỉnh thoảng vẫn có người thân quen đến xin đơn thuốc. Thường là những người trông không có vẻ khá giả thì hợp với đơn thuốc của ông. Tôi cứ thấy ông hay nói với họ là đơn thuốc này rất rẻ tiền vì chỉ dùng các vị nam dược. Ngày đó thuốc bắc chắc là khan hiếm và đắt lắm. Ông không bao giờ lấy tiền công chữa bệnh nhưng tôi thấy ông rất hào hứng hỏi thăm , quan tâm theo dõi người bệnh, sau đó lại thấy ngồi nghiên cứu chỉnh sửa bài thuốc cho phù hợp hơn. Tôi nghĩ ông có năng khiếu kinh doanh nên làm cái gì cũng nghĩ cách làm sao cho rẻ nhất mà vẫn được việc. 

Bố tôi mới đầu đọc sách thuốc với mục đích chính là để học nghề chữa bệnh, nhưng sau này do thời cuộc thay đổi (tôi nghe kể lại là do chính phủ cấm buôn bán dược liệu làm thuốc) nên đổi sang sản xuất kinh doanh. Ông nội tôi và bố tôi quyết định chọn nghề làm hương vì nghĩ có thể áp dụng kiến thức đã có về cây cỏ dược liệu vào nghề hương. Cuối cùng, ông đã nghiên cứu thành công một công thức sản xuất hương từ các loại cây cỏ có sẵn trong thiên nhiên, có mùi hương rất đặc thù, chẳng giống hương của nhà nào cả. Sau này, ông nội tôi, vốn  là người có khiếu thơ phú, có làm một bài thơ tặng cho bố tôi về thành công này. Bài thơ này được bố tôi căn dặn lưu giữ sau bức ảnh thờ của ông.

 Ngay từ thời bao cấp và cho đến tận bây giờ, cửa hàng hương của bố mẹ tôi vẫn rất nổi tiếng ở địa bàn TP Nam Định. Dù đã thuê một tốp thợ chuyên nghiệp nhưng đến dịp lễ tết mấy anh em chúng tôi ngoài giờ đi học cũng phải tham gia thêm vào khâu sản xuất mới kịp bán. Tôi nhớ, vào tháng tết, mấy anh em chúng tôi ngồi đếm, gói hương từ sáng đến khuya, mệt thì ngủ lăn lóc lẫn với bột hương. Bạn học ở trường nhiều đứa  thắc mắc sao người mày lúc nào cũng có mùi như mùi rượu thuốc? Vào dịp tết, cả bốn anh em tôi cùng với bố tôi phải tham gia  bán hàng phụ với mẹ tôi mới kịp phục vụ khách. Khách hàng của nhà tôi không chỉ là những người trong phạm vi thành phố Nam Định mà còn ở các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình hoặc xa hơn là Sài gòn, nước ngoài... Ngoài khách mua lẻ còn có nhiều khách mua buôn về các địa phương khác.

Hương của bố tôi nổi tiếng vì mùi thơm, nhưng cũng nổi tiếng là giá đắt nhất thành phố. Tôi nhớ, trong khi các nhà sản xuất hương trong TP Nam Định bán có 5 hào một thẻ hương thì hương của nhà tôi vẫn bán buôn với giá là 2 đồng một thẻ. Tức là đắt gấp 4 lần. Hồi đó tôi không hiểu vì sao bố tôi đòi giá bán buôn bằng giá bán lẻ với tất cả khách mua buôn đến từ ngoài thành phố và ông không bán buôn cho người trong TP. Hương của ông gần như là độc quyền ở địa phương này. Ở chợ Rồng Nam Định không ít người đã làm giả hương của bố tôi. Có khách hàng kể là ở ngoài chợ có một bà bán hương nói bà ấy là vợ của bố tôi (không biết bố tôi có ai khác ngoài mẹ tôi hay không?). Tôi càng thấm thía bài học về chất lượng vượt trội luôn là lợi thế cạnh tranh tuyệt đối.

Hồi đó, giấy báo còn khan hiếm lắm, bố mẹ tôi tận dụng giấy phế liệu của xưởng dệt Sơn Nam ở trước nhà để đóng gói hương. Giấy gói bảo quản sợi của xưởng dệt Sơn Nam Nam Định có màu xanh. Là giấy bảo quản sợi nên khi dùng để gói hương, giấy giúp chống ẩm và giữ được hương không bị mất mùi. Theo truyền thống, thẻ hương thường có màu đỏ hoặc màu vàng của nhà phật. Vì vậy thẻ hương của nhà tôi có màu sắc độc nhất vô nhị, chả giống ai, màu xanh! Hương của nhà tôi gói bằng giấy màu xanh thì hương ở ngoài chợ Rồng Nam Định cũng dần dần đổi từ màu đỏ, màu vàng sang màu xanh để cho giống với hương Hàng Giấy (vì nhà tôi ở phố Hàng Giấy, nay gọi là phố Hoàng Văn Thụ, nên khách hàng gọi hương nhà tôi là hương Hàng Giấy). Có thể nói chất lượng bên trong đã quyết định cả hình thức bên ngoài.

Khi đó, tôi mới hơn mười tuổi, không hiểu vì sao bố tôi lại thành công như vậy. Mãi sau này được đi học đại học, được nghiên cứu nhiều về khoa học quản lý và tham gia quản lý thực tế nhiều năm, tôi mới hiểu bố tôi có được thành công như vậy bởi vì ông luôn luôn suy nghĩ tìm tòi sáng tạo để luôn là người đi đầu về chất lượng và giá thành sản xuất.  Hương do nhà tôi sản xuất có giá thành thấp vì nguyên liệu chủ yếu là cây cỏ có sẵn ở địa phương. Giá thành hạ mà nguồn cung lại ổn định vì không phụ thuộc vào hương liệu nhập từ Trung Quốc. Thêm nữa, sử dụng nguyên liệu từ nông, lâm nghiệp địa phương không bị rủi ro về vi phạm pháp luật (hồi đó, chính phủ cấm buôn bán, nhập khẩu thuốc bắc). Câu chuyện về thẻ hương màu xanh đã khẳng định một triết lý kinh doanh đơn giản: Ai giải quyết được quan hệ mâu thuẫn giữa giá thành và chất lượng thì sẽ là người chiến thắng trên thương trường!

Ngoài chất lượng, bố tôi còn mạnh dạn áp dụng phương pháp sản xuất mới có năng xuất cao hơn phương pháp truyền thống. Khi mới áp dụng cũng có nhiều khó khăn về thợ kỹ thuật, về nguyên liệu mới. Những lô sản xuất đầu tiên, hương hay bị tắt giữa chừng do nguyên liệu không phù hợp, nén hương nhìn không được đẹp như phương pháp truyền thống. Với quyết tâm hạ giá thành sản xuất, ông kiên trì theo đuổi đến cùng phương pháp sản xuất mới và đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong phương pháp sản xuất và lựa chọn nguyên liệu mới.

Người làm của gia đình tôi đa phần là anh em họ hàng hoặc là người cùng quê hương. Vì vậy, mặc dù nghề làm hương không những phụ thuộc rất nhiều vào lao động thủ công mà còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Khi phơi ngoài trời, gặp lúc nắng lúc mưa rất vất vả. Mùa đông, có năm mưa phùn cả tháng thì phải sấy hương bằng bếp củi, bếp than. Dù vậy, do mọi người ai cũng làm việc với thái độ rất nghiêm túc nên chất lượng hương  luôn ổn định. Có lẽ khi tuyển lựa người làm, bố tôi đã nghĩ đến ưu điểm của mối quan hệ truyền thống gia đình họ hàng của cộng động Việt. Bố mẹ và chúng tôi rất tôn trọng và rất quan tâm chăm sóc thợ thuyền như anh em chú bác thân thiết trong gia đình. Nhiều người thợ làm cho gia đình tôi cho đến khi mất.

Rất tiếc là bố tôi hưởng thọ không được lâu. Ông mất năm mới có 62 tuổi. Cầu chúc cho linh hồn ông được yên nghỉ sau quãng đời vất vả nhưng cũng rất vẻ vang với nghề nghiệp mà ông đã bỏ ra biết bao công sức. Bố tôi tên là Nguyễn Cao San. Chữ Sơn là cách gọi Việt hóa của chữ San, có nghĩa là núi, vì vậy khi bố tôi đặt tên cho bốn con trai của mình thì đều lấy tên đệm là Sơn. Có lẽ bố tôi muốn gửi gắm các con mình những hoài bão còn dở dang. Xúc động về tấm gương lao động sáng tạo, chuyên tâm với nghề nghiệp của bố mình, khi ông mất, tôi có làm một câu thơ ca ngợi nghề nghiệp mà ông đã dày công xây dựng. Bài thơ được khắc trên bia mộ của ông:

"Vạn thảo hợp hương, hương lưu mãi
  Cao Sơn tạo thế, thế trường tồn"

Hàng năm, cứ đến ngày 13/10 là tôi lại đến bên bàn thờ của bố, thắp một nén hương. Với tôi, ông là tấm gương sáng về một doanh nhân chân chính.

Với trình độ văn hóa lớp 3 và một doanh nghiệp gia đình cỡ siêu nhỏ, bố tôi không phải là người nổi tiếng trong xã hội. Nhưng với tôi, hình ảnh về những thẻ hương màu xanh của bố lúc nào cũng có ý nghĩa nhất. Một hình ảnh trong  ký ức tuổi thơ nhưng luôn hiện về rất rõ nét. Thẻ hương màu xanh đối với tôi có ý nghĩa hơn nhiều so với những khóa học về quản trị mà tôi đã may mắn được tham dự. Chúng tôi sẽ nhớ mãi lời của bố mình: "Giữ "lửa" nghề là bí quyết của thành công".

Nhưng tôi còn biết rõ, đứng sau thành công của "thẻ hương màu xanh" là mẹ tôi. Bà thực sự là một người không thể thiếu được trong mọi thành công của bố tôi cũng như của chúng tôi.

Một buổi sáng mùa đông năm 2005, tôi về thăm mẹ. Mấy mẹ con rủ nhau đi thăm chùa Cổ lễ. Ngôi chùa có hơn 700 năm tuổi. Một ngôi chùa không lớn nhưng làm tôi rất ấn tượng bởi vẻ đẹp gần gũi và thanh bình. Tôi xúc động khi nhìn thấy những cây mẫu đơn nép mình bên lối đi. Tôi viết tặng mẹ một bài thơ.

Hoa mẫu đơn Chùa Cổ Lễ
Mẫu đơn sao giống mẹ mình
Khiêm nhường từ tốn đứng bên sân chùa.
Là xanh hoa đỏ thân gầy
Rễ sâu bám đất cho đài hoa tươi.

Nhìn cây càng ngẫm càng thương
Bồi hồi kỷ niệm con đường tuổi thơ.
Vẳng nghe một khúc ca trù
Du dương điệu hát mẹ ru năm nào.

Gió đùa, lay khẽ hoa cười
Tiết đông mà nắng vàng tươi ùa về.
Cảnh chùa như họa cảnh tiên
Mẫu đơn đỏ thắm, bình yên trường tồn.

Chân thành cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài viết.

Nguyễn Sơn Xuyên M.A,CPA (Aust.)
Tư vấn quản lý tài chính kế toán
Email: xuyen.nguyenson829@gmail.com
Mobile: 0904811700






Người theo dõi