GIAN LẬN NỘI BỘ (BÀI SỐ 1)

Trong thực tế công tác tôi đã không ít lần được chủ doanh nghiệp tư nhân giao nhiệm vụ đánh giá, phát hiện và ngăn ngừa gian lận trong nội bộ công ty. Loại nhiệm vụ này không có trong lịch làm việc thường kỳ  của ban giám đốc. Phạm vi điều tra không hạn chế bất kì nhân sự nào, kể cả cán bộ quản lý cao cấp như CEO, giám đốc bộ phận.

Gian lận trong nội bộ tổ chức thực sự là vấn đề rất phổ biến trong thực tế. Gian lận trong nội bộ nhân viên gây hậu quả rất nghiêm trọng. Gian lận nội bộ thông thường rất tinh vi, phức tạp, khó phát hiện. Các nhà quản lý mặc dù rất quan tâm nhưng vì nhiều lý do đôi khi không đánh giá hết được hậu quả vô hình và chưa nhìn thấy hết các nguy cơ tiềm ẩn hoặc các vụ việc thực tế đang diễn ra trong nội bộ doanh nghiệp.

Gian lận trong nội bộ nhân viên là không tránh khỏi, và cũng không bao giờ có thể xoá bỏ được hoàn toàn.

 Bài viết nhằm giúp các chủ doanh nghiệp có thêm kiến thức, kinh nghiệm để kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ gian lận nội bộ ở mức thấp nhất có thể.

Người quản lý muốn phát hiện, ngăn chặn kịp thời nguy cơ gian lận ngoài việc phải khoanh vùng điều tra khả năng gian lận có thể xảy ra ở đâu là cao nhất, xảy ra dưới cách thức nào còn cần phải tìm hiểu đặc điểm kinh doanh hoạt động, môi trường kiểm soát nhằm xác định xem các động cơ có thể dẫn đến gian lận. Từ đó có thể đưa ra các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.



Cách thức gian lận:
Rất nhiều hoạt động gian lận, phức tạp và tinh vi, nhưng có thể quy về ba cách thức chính:

  • Biển thủ tài sản, hàng hoá, vật tư, tiền bạc, lợi dụng tài sản công cho việc tư.
  • Gian lận báo cáo tài chính báo cáo sai sự thật để có được tiền thưởng, được lên chức
  • Hối lộ, móc ngoặc nhằm kiếm lợi riêng cho cá nhân hoặc một nhóm
Động cơ trực tiếp dẫn đến gian lận có thể là:
  • Do sức ép công việc như chỉ tiêu kế hoạch được giao quá sức, dự đoán có khả năng mất việc trong tương lai, sức ép tài chính cá nhân như nợ nần, gia cảnh, vỡ nợ, cờ bạc,...
  • Cơ hội thuận lợi, điều kiện dễ dàng gian lận
  • Khả năng hợp thức hoá gian lận (nhằm biện minh cho hành vi, xoá bỏ dấu vết)

Hậu quả của gian lận nội bộ nhân viên:

  • Thiệt hại kinh tế do biển thủ gian lận
  • Sói mòn đạo đức nhân viên, dẫn đến xa sút hiệu quả làm việc, thiếu niềm tin vào tổ chức, thái độ nghi kỵ,  không tin tưởng lẫn nhau, giấu diếm, nguỵ tạo thông tin, hình thành các nhóm lợi ích, mâu thuẫn nội bộ dẫn đến suy yếu sức cạnh tranh của tổ chức.
  • Mất uy tín của doanh nghiệp, mất đối tác, mất hợp đồng, mất thị trường
  • Tốn kém nguồn lực ( nhân sự, tiền bạc, thời gian) cho hệ thống giám sát phòng ngừa

Nguyên tắc: Phòng hơn chống. Bí mật bất ngờ trong phát hiện và phòng ngừa gian lận.

Bài sau: Ví dụ điển hình về gian lận trong nộ bộ nhân viên và chiến lược tối thiểu hoá rủi ro gian lận trong nội bộ nhân viên

Hà Nội: Tháng 11 Năm 2012
Nguyễn Sơn Xuyên M.A,CPA (Aust.)
Tư vấn quản lý tài chính

Email: xuyen.nguyenson829@gmail.com
Mobile: 0904811700















GIAN LẬN NỘI BỘ (BÀI SỐ 2)

Tiếp theo số 1

Một số ví dụ về gian lận trong nội bộ nhân viên:

Mục tiêu của gian lận trong nội bộ nhân viên là một nhóm nhân viên hoặc từng cá nhân tìm cách hợp thức hoá, che đậy các hành vi gian lận càng lâu càng tốt.  Vì vậy gian lận nội bộ rất phức tạp và tinh vi. Cũng như hoả hoạn, khi tình trạng gian lận đã xảy ra thì cực kỳ khó ngăn chặn thiệt hại của nó, nguyên tắc chủ yếu là phòng vẫn hơn chống! Xây dựng hệ thống báo động, phát hiện sớm rủi ro lan toả rộng của đám cháy vẫn là chủ đạo!

Thông thường những kẻ gian lận có một cái mặt nạ rât thân thiện, cởi mở hơn thường lệ. Họ luôn tỏ ra rất nhiệt tình, quan hệ với đồng nghiệp cực kỳ tốt, họ sẵn sàng chấp nhận làm ngoài giờ, làm việc trong ngày nghỉ lễ, làm cả  những việc không có trong pham vi hợp đồng lao động. Ví dụ: nhân viên bảo vệ sẵn sàng tự nguyện phụ với thủ kho để bê vác, nhập xuất hàng hoá, đêm hôm, sớm tối, ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ. Họ không bao giờ xin nghỉ phép (vì sợ nhân viên làm thay sẽ phát hiện ra gian lận) và thậm chí chấp nhận bị trả lương thấp hơn thị trường nhiều lần. Mục đích của họ là kiếm chác qua việc gian lận chứ không phải là làm công việc lâu dài cho tổ chức. Tuy nhiên, nếu để ý có thể thấy kẻ gian lận có một thái độ khác so với người bình thường! Bạn hãy bất chợt hỏi họ một câu hỏi nhạy cảm rồi nhìn mắt họ, bạn dễ dàng nhận thấy mắt họ không nhìn thẳng quá nửa phút. Mách nước: nếu cần thì nhờ công an điều tra (về hưu) giả làm nhân viên thì bắt bọn ăn cắp vặt này không khó!

 Thường người chủ sẽ thấy hài lòng khi tuyển được nhân sự có kinh nghiệm, có bằng cấp cao mà lại chấp nhận lương thấp! Các bạn đã bao giờ liên hệ với nhà trường để thẩm định bằng cấp chưa ? có bao giờ liên hệ với công an để thẩm định nhân thân của thủ kho, bảo vệ, thủ quỹ, kế toán mới chưa? tôi chưa thấy việc này là thông lệ ở nước ta. Vì vậy một số nhân viên có ý đồ xấu đã lọt vào công ty, có bằng MBA nhưng lại không biết sử dụng Excel! Cuối cùng hoá ra là bằng giả khi bị phát hiện có gian lận ngay trong tháng đầu tiên đi làm.

Các bạn hãy hình dung các nhân viên nhà hàng có thể dấu một vài con tôm hùm, một vài lạng thịt bò Úc, vài lạng cá hồi, một chai rượu ngon ở đâu để mang ra khỏi công ty mà nhân viên bảo vệ không thể phát hiện được? Số lượng một lần là không lớn, nhưng nhiều năm liền và nhiều nhân viên làm việc này thì con số thất thoát là hoàn toàn không nhỏ!

Thông thường vật phẩm có giá trị cao, kích thước nhỏ thì việc dấu trong người (những vị trí nhạy cảm của chị em, gây khó khăn cho việc kiểm  tra của bảo vệ nam), trong túi sách tay, trong cặp lồng cơm là phổ biến. Loại hàng này có thể là đồ nữ trang, vàng bạc, đá quý, thiết bị điện tử, ...tôi nhớ là Bảo Tín Minh Châu đã tuyển dụng vị trí nhân viên kiểm soát nội bộ từ rất sớm so với các doanh nghiệp cùng quy mô nhưng khác ngành. Có lẽ do đặc thù giá trị cao của sản phẩm.
    Với nhưng đơn vị có tổ chức phân tán, tạm thời như cầu đường, xây dựng, ..thì việc tạo ra các nhân viên "ma" không có thực là không hiếm. Các hợp đồng giả về nhân công, về thuê mướn đất, thuê nhà làm lán trại, các hoá đơn giả về mua sắm đồ dùng vật dụng...cũng là một cách thức phổ biến gian lận

    Một ví dụ phổ biến là kẻ gian lận tìm cách tạo ra các nhà cung cấp giả, hoặc tạo ra các hợp đồng với các nhà cung cấp có thương hiệu nhưng tài khoản thanh toán được sửa đổi để chuyển tiền đi một địa chỉ của người gian lận.

     Nhân viên mua hàng móc ngoặc với nhà cung cấp để tạo giá khống, mua hàng khống, hàng thiếu.

    Nhân viên bí mật tạo lập công ty riêng rồi tìm cách có được hợp đồng cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho tổ chức. Thông thường do lợi thế kiểm soát được các thông tin nội bộ mà họ có ưu thế trong đấu thầu.

    Có lẽ phổ biến hơn cả là lạm dụng quyền hạn và sử dụng lãng phí tài sản, phương tiện công cho mục đích cá nhân: Người chủ doanh nghiệp có dành thời gian để lưu ý thấy Bill điện thoại, hoá đơn taxi tăng cao một cách bất thường không? các bạn có đã bao giờ nhận xét sự khác nhau rất lớn về thời lượng sử dụng điện thoại giữa các nhân viên cùng một bộ phận không? các bạn đã có hệ thống theo dõi phân tích sử dung xe, sử dụng điện thoại hàng tháng chưa? Bao nhiêu % điện thoại và xe công được sử dụng đúng mục đích? Các bạn có xây dựng định mức theo tính chất công việc và doanh thu chưa?

    Các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp nên lưu ý một loại gian lận rất phổ biến và hậu quả cực kỳ to lớn của những giám đốc thời đại @ là gian lận trong báo cáo tài chính. Cụ thể là họ thao túng các kế toán viên, kiểm toán viên có trình độ cao tìm cách dấu lỗ hoặc thổi phồng chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận nhằm nhận được các khoản thưởng liên quan đến lợi nhuận, hoặc nguỵ tạo thành tích nhằm tiếp tục được phê duyệt đầu tư mở rộng, bành trướng ảnh hưởng, thế lực uy quyền cho mục đích cá nhân. Bạn phải hết sức cẩn thận với loại gian lận này vì họ sẽ làm suy yếu công ty với những khoản thua lỗ để ngoài sổ sách báo cáo và có thể có ngày công ty của bạn sẽ là của họ đấy! đơn giản là khi giá cổ phiếu giảm do làm ăn thua lỗ, họ sẽ cùng với các chủ nợ mua lại toàn bộ cổ phiếu trên sàn giao dịch với số lượng chiếm được quyền kiểm soát công ty.

    Đơn giản nhất trong việc lạm dụng quyền hạn  của sếp là phê duyệt, cung cấp hàng với giá ưu đãi cho bạn bè, người thân, công ty riêng của vợ, con. Gian lận loại này có thể gây thiệt hại khôn lường cho chủ doanh nghiệp nếu việc ưu tiên giá mua có liên quan đến hệ thống bán hàng qua các đại lý. Các đại lý không được ưu đãi giá trước sau sẽ chết yểu do không thể cạnh tranh nổi với cửa hàng của người nhà của các sếp! Hậu quả cuối cùng với chủ doanh nghiệp là gì thì các bạn có thể hình dung được!

    Cuối cùng, phổ biến nhất có lẽ là ăn cắp thời gian và  khai gian giờ công ngày công, thống kê sai số lượng khối lượng công việc đã hoàn thành, khai khống các chi tiêu công tác, tiếp khách, quan hệ, môi giới, tư vấn vân vân và vân vân.

    Có thể nói gian lận trong nội bộ nhân viên là không thể tránh khỏi. Liệu các chủ doanh nghiệp, các cổ đông, các nhà đầu tư có đủ thời gian và sức lực để đối phó với vấn nạn này không?

     Một số văn hóa quản lý dẫn đến gian lận và biện pháp phòng ngừa, phát hiện sẽ được đề cập trong các số sau.

    Nguyễn Sơn Xuyên M.A,CPA (Aust.)
    Tư vấn quản lý tài chính

    Email: xuyen.nguyenson829@gmail.com
    Mobile: 0904811700
















    GIAN LẬN NỘI BỘ ( BÀI CUỐI)

    Tiếp theo số 4

    Các số trước tôi đã đề cập đến bản chất, hậu quả, văn hóa quản lý liên quan, biện pháp phòng ngừa gian lận nội bộ.

    Số này tôi đề cập đến vần đề cuối cùng là nên làm gì  khi bạn phát hiện ra nhân viên gian lận.

    Có một lần, trong khi tôi đang bù đầu với kế hoạch IPO mà sếp giao thì nhận được báo cáo trong công ty đã xẩy ra mất trộm tài sản là một số bộ sò vi xử lý (processors) của các máy PC tại một văn phòng đã được khóa kỹ và bảo vệ ngày đêm túc trực đã biến mất. Cũng như mọi người cảm giác đầu tiên của tôi là cực kỳ tức giận và nghi ngờ tràn ngập trong đầu. Sau khi phát hiện và xử lý xong vụ việc ổn thỏa, tôi cũng rút ra cho mình một vài kinh nghiệm cho sự việc tương tự. Điều cực kỳ quan trọng là trong mọi trường hợp là hãy kiềm chế cảm xúc. Không nhất thiết phải làm ầm ĩ về sự việc vừa được phát hiện dẫn đến xáo trộn trong công ty,  trong khi bên ngoài một vài nhân viên đang rất xúc động với tin tức vừa nhận được,  hãy bình tĩnh đóng cửa phòng một mình suy xét và lên kế hoạch cần làm gì? Quyết định cuối cùng của tôi là lập kế hoạch giăng bẫy tên trộm và đã thành công!

    Vì bạn vẫn phải tiếp tục kinh doanh nên mục tiêu của bạn không phải là sa thải  ngay lập tức nhân viên vi phạm mà còn cố gắng biến sự cố thành cơ hội để tìm hiểu các động cơ dẫn đến gian lận, còn có ai liên quan, quy trình kiểm soát của bạn sơ hở ở khâu nào? Ai là người hỗ trợ, tổ chức đằng sau nhân viên này. Ngoài ra, nếu bạn muốn sa thải nhân viên bạn phải tìm hiểu luật để thực hiện quy trình một cách hợp pháp. Bạn nên yêu cầu tư vấn của luật sư trước khi công bố sa thai nhân viên. Tốt nhất là nên có một điều khoản trong hợp đồng lao động, hoặc chính sách nhân sự của công ty về những sai phạm sẽ bị sa thải ngay và vô điều kiện.

     Muốn vậy, khi nhận được thông tin gian lận, thay vì quá xúc động và làm ầm ỹ trong cơ quan, bạn phải cố gắng tìm cách thu thập và bảo vệ các bằng chứng gian lận, đồng thời gọi người tin cậy để tham mưu ( là một doanh nghiệp, bạn nên duy trì một vài mối quan hệ quen biết với bên công an điều tra), tìm cách thu thập bằng chứng, vật chứng, nhân chứng. Có thể bạn phải tạo điều kiện để cho nhân viên kia tiếp tục vi phạm. Một bức ảnh, hình camera , hay một vài nhân chứng , vật chứng là cần thiết để bảo vệ bạn về sau.

    Sau khi bạn đã thu thập đầy đủ các bằng chứng cụ thể về gian lận thì mới cho triệu tập nhân viên liên quan đến văn phòng để thông báo về quyết định của bạn. Bạn nên yêu cầu một người khác ( như là người trung gian) ở cùng với bạn trong khi bạn chất vấn nhân viên vi phạm để có người làm chứng cho mọi lời khai báo, trao đổi giữa hai bên. Bạn nên cho thư ký làm biên bản về cuộc trao đổi. Kết quả cuối cùng của buổi trao đổi với nhân viên có thể là một thông báo cảnh cáo, một quyết định sa thải. Hơn nữa, qua cuộc trao đổi bạn cố gắng khai thác thêm các thông tin khác như: những nhân viên có liên quan, cách thức, thời gian. 

    Có thể là một quyết định  không bị sa thải nhưng với điều kiện phải khai báo thành khẩn những nhân viên có liên quan, cách thức gian lận để rà soát lại hệ thống kiểm soát nội bộ.

    Bạn có nên báo cho công an hay không? theo tôi tùy thuộc vào tính nghiêm trọng và hậu quả của sự việc. Nếu việc làm ăn của bạn không có gì nhạy cảm khi sự việc được ban bố rộng rãi và bạn muốn bên vi phạm phải bồi thường cho công ty một số tiền lớn thì có thể bạn phải báo để công an vào cuộc! Nếu đang chạy hai bộ sổ kế toán thì nên xử lý nhân viên sai phạm thế nào chắc là bạn biết rồi!



    End!

    Chúc bạn thành công!

    Nguyễn Sơn Xuyên M.A,CPA (Aust.)
    Tư vấn quản lý tài chính

    Email: xuyen.nguyenson829@gmail.com
    Mobile: 0904811700








    KẾ TOÁN CẢN TRỞ SỰ PHÁT TRIỂN?


    Qua nhiều năm công tác trong nghề kế toán, tôi nhận thấy quan hệ giữa các nhân viên kế toán và nhân viên các bộ phận khác hay có mâu thuẫn. Thực tế cũng không ít kế toán kìm hãm sự phát triển do hạn chế về chuyên môn, nhận thức sai lệch về nghề kế toán.

    Kế toán "truyền thống"

    Một phần do quá chú trọng đến vai trò đơn thuần là kiểm soát tài chính hoặc quá chú trọng đến việc tuân thủ mà dẫn đến hạn chế sự phát triển của tổ chức. 
    Có thể tổng kết một số định kiến về kế toán với góc nhìn từ cộng đồng xã hội và từ phía các bộ phận khác về những người làm nghề kế toán: Không cởi mở, khô khan, luôn nghi ngờ, khó giao tiếp, không hỗ trợ, gây khó khăn cho các bộ phận khác trong và ngoài công ty, đo đếm quá chi tiết, giải quyết công việc máy móc, nguyên tắc cứng nhắc , lạc hậu với môi trường bên ngoài đầy biến động, hạn chế trong đàm phán, trình bày, thuyết trình 
    Các bạn hãy lưu ý hoàn thiện mình để những định kiến trên đây không rơi vào mình


    Kế toán hiện đại

    Vai trò mới của kế toán không chỉ bó hẹp trong vai trò truyền thống là người sản xuẩt báo cáo, không chỉ là người kiểm soát tài chính mà còn mở rộng sang vai trò tham mưu quyết định quản trị điều hành, tham mưu quyết định chiến lược, quản trị rủi ro cho doanh nghiệp.

    1. Là người tham mưu cho các quyết định quản lý điều hành và quyết định chiến lược phát triển doanh nghiệp. Muốn vậy, kế toán phải lưu ý:
    • Xây dựng quan hệ tốt với đồng nghiệp và đối tác: Hãy nhớ là bạn không thể hoàn thành tốt công việc nếu không có sự ủng hộ của mọi người
    • Mọi quyết định mà bạn tham mưu đều phải tính đến lợi ích của tất cả các bên có liên quan: khách hàng, chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động, ...
    • Cùng với các thông tin tài chính truyền thống, chú ý tăng cường thêm các thông tin phi tài chính trong các báo cáo quản trị: tất cả các thông tin ngoài báo cáo tài chính như luật pháp, môi trường, dự báo tăng trưởng ...
    • Tăng cường các thông tin dự kiến, dự báo trong báo cáo quản trị: Như xu hướng mới trong kinh doanh, ...
    2. Là người tham mưu cho các quyết định quản trị rủi ro:
    Kế toán là một trong những nhân sự chủ chốt trong việc xây dựng, giám sát hệ thống phòng ngừa rủi ro với một số hoạt động sau:
    Tham gia tư vấn xây dựng môi trường kiểm soát nội bộ bao gồm cơ cấu tổ chức của ban giám đốc cùng với các chính sách thủ tục kiểm soát phát hiện rủi ro sớm: rủi ro về thị trường như lãi suất, tỷ giá, giá cả thị trường chung...tham mưu cho lãnh đạo xây dựng phương án giảm thiểu rủi ro. 

    LIÊN HỆ


    Nguyễn Sơn Xuyên CPA
    Công ty TNHH T&G Hà Nội

    ĐT: 0963238085
    ĐC: 336 Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội Email:xuyen.nguyenson829@gmail.com
    http://nguyensonxuyen.blogspot.com/ https://facebook.com/sonxuyen.nguyen.
    5

    Người theo dõi