KỸ NĂNG CEO-LỢI ÍCH CỦA KIỂM TOÁN



Chi tiêu cho kiểm toán tự nguyện có phải là ném tiền qua cửa sổ?
Đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ không bị bắt buộc có báo cáo tài chính được kiểm toán nên thường không dự toán chi phí kiểm toán trong ngân sách hàng năm của mình vì coi chi phí kiểm toán là "lãng phí thời gian và tiền bạc". Thông thường, khi chưa thiếu vốn, dịch vụ kiểm toán được quan niệm là “không thiết yếu” nhưng phải chi theo luật. Thực tế không phải vậy. Như tôi đã nêu trong bài “Đừng chờ đến khi nhập viện mới làm thân với bác sỹ”, khi bạn thiếu vốn là lúc bạn cần ngân hàng và nhà kiểm toán. Nhưng để thuận lợi bạn cần có báo cáo kiểm toán của vài năm trước đó. Bài viết này xin chia sẻ một vài gợi ý liên quan đến dịch vụ kiểm toán, khi nào bạn cần họ, bạn nên làm việc với họ như thế nào cho hiệu quả.

Nhà kiểm toán là bên thứ ba độc lập xác nhận về sức khỏe tài chính của bạn với ngân hàng. Cụ thể là các ngân hàng luôn dựa vào các báo cáo tài chính có kiểm toán như là một chứng chỉ sức khỏe tài chính để bắt đầu xem xét nhu cầu vay vốn của bạn. Không giống bác sỹ cố gắng cứu bệnh nhân theo quan điểm còn nước còn tát, ngân hàng sẽ sẽ chỉ bắt tay với doanh nghiệp khi bạn còn đủ sức khỏe để tiếp đáp với “liều thuốc” của họ. Như vậy, với chi phí trung bình trên dưới 10 triệu đồng cho một hợp đồng kiểm toán/ năm cho một công ty vừa và nhỏ (tùy theo qui mô và loại hình kiểm toán), bạn có thể được việc lớn hơn như có đủ vốn vay với lãi suất hợp lý và giúp tăng cường kiểm soát nội bộ nhờ các phát hiện kịp thời từ kiểm toán viên độc lập.
Lưu ý là với điều kiện ngân sách hạn hẹp, bạn không nhất thiết phải kiểm toán toàn bộ các báo cáo tài chính theo luật định. Ví dụ cho mục đích vay vốn bạn có thể chỉ thuê kiểm toán xác nhận giá trị tài sản thế chấp ( xem bài “Đừng chờ đến khi nhập viện mới làm thân với bác sỹ “ để biết cách xác định giá trị tài sản thế chấp) với mức phí thấp hơn nhiều so với một hợp đồng kiểm toán theo luật.
Ngoài việc xác nhận báo cáo tài chính là trung thực hợp lý tạo điều kiện cho công việc giao dịch với ngân hàng, nhà đầu tư, nhà cung cấp, đối tác chiến lược, cơ quan thuế, cổ đông, ……. dịch vụ kiểm toán còn đáp ứng nhiều dịch vụ tư vấn khác như: Tư vấn thuế, tư vấn kiểm soát nội bộ, tư vấn tuyển dụng, đào tạo nhân sự tài chính kế toán, tư vấn phần mềm quản trị, tư vấn sổ sách báo cáo quản trị, tư vấn IPO, tư vấn sát nhập, chia tách, giải thể vv….
Theo kinh nghiệm của bản thân, nếu không có lý do nào khác, thì cũng nên thuê kiểm toán vài ba năm một lần để thẩm định khách quan chất lượng báo cáo do kế toán chuẩn bị. Điều này giúp bạn thoát khỏi sự lo lắng về trình độ và đạo đức nghề nghiệp thực tế của đội ngũ kế toán và các nhân viên quản lý các cấp (đặc biệt cần thiết với các tổ chức hạch toán độc lập và phân tán trên nhiều địa bàn khác nhau trong khi bạn không có bộ máy kiểm toán nội bộ hữu hiệu).

Bạn nên biết hầu hết các cuộc kiểm toán đều để lại các phát hiện quan trọng về các lỗ hổng trong kiểm soát nội bộ. Bạn có thể kịp thời điều chỉnh trước khi quá muộn.

Chọn kiểm toán như thế nào?
Ngành nào cũng vậy, có đa khoa, có phân hệ chuyên biệt, bạn nên chọn dịch vụ kiểm toán phù hợp cho mục đích của mình. Nhưng trên hết là phải một người có đạo đức nghề nghiệp. Vì sao, có nhiều lý do nhưng một trong lý do cơ bản là giống như với bác sỹ, bạn nên tạo điều kiện để nhà kiểm toán hiểu bạn thật kỹ lưỡng trước khi bạn có thể nhận được sự trợ giúp hiệu quả của họ với vai trò là nhà tư vấn quản trị. Nếu bạn chỉ muốn có một bản báo cáo “sạch” từ phía kiểm toán thì việc chia sẻ thông tin không nhất thiết phải mở hết như trong các dịch vụ tư vấn quản trị còn lại. Nếu bạn đang kinh doanh trong ngành bất động sản thì đương bạn sẽ không nên thuê các kiểm toán viên chuyên về thương mại xuất nhập khẩu hay bán lẻ hay nhà hàng khác sạn!

Nếu bạn cần hỗ trợ xin hãy gọi T&G Hà Nội để được tư vấn thêm cho trường hợp cụ thể của bạn!

Chúc bạn thành công!
Nguyễn Sơn Xuyên CPA









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người theo dõi