ĐỪNG CHỜ NHẬP VIỆN MỚI HỎI THĂM BÁC SỸ!







Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp luôn có cần có sự hỗ trợ vốn từ các ngân hàng, đặc biệt đối với các ngành kinh doanh có tính thời vụ sẽ cần vốn tín dụng khi vào thời vụ bán hàng. Vì vậy, doanh nghiệp luôn phải chủ động tìm kiếm nguồn vốn và tính toán khả năng vay và nhu cầu vay vốn trước khi thực tế xảy ra. Lãi suất là áp lực lớn hiện nay, vì vậy quản lý tốt để giảm thiểu chi phí vay là tất yếu. Lãi suất vay phụ thuốc nhiều yếu tố nhưng dưới đây chỉ đề cập đến yếu tố chủ quan của doanh nghiệp đó là công tác chuẩn bị trước khi thiếu vốn.

 Việc chủ động tìm đối tác ngân hàng phù hợp với loại hình kinh doanh sản xuất để đàm phán để đạt được thỏa thuận kế hoạch tín dụng trước khi phát sinh nhu cầu sẽ góp phần giảm lãi suất cho vay rất nhiều so với trường hợp vay " nóng" có tính đột xuất hoặc phải vay tại ngân hàng mà doanh nghiệp không phải là đối tượng ưu tiên của họ.

Bạn nên có ít nhất hai ngân hàng " thân thiết" đứng sau doanh nghiệp khi bạn ngay cả khi bạn chưa có nhu cầu vay. Điều này tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh có lợi cho bạn. Hãy tạo mọi điều kiện để ngân hàng hiểu doanh nghiệp từ góc độ của họ ngay cả khi bạn chưa cần họ. Một bữa ăn trưa định kỳ với nhân viên tín dụng phụ trách mảng doanh nghiệp của bạn sẽ rất hứu ích cho việc này. Đừng chờ đến khi bạn " ốm yếu" mới đi cầu cứu ngân hàng. Khi đó đa phần là một từ lịch sự nhưng rất buồn là "no thanks" từ phía ngân hàng, họ sẽ rất miễn cưỡng khi đón tiếp bạn trong khi bạn lại đang rất cần họ như bệnh nhân cần bác sỹ .
Việc ngân hàng đồng ý cho doanh nghiệp vay bao nhiêu và lãi suất như thế nào chủ yếu phụ thuộc vào phương án kinh doanh và uy tín cũng như quan hệ của doanh nghiệp với ngân hàng. Tất nhiên còn phụ thuộc rất nhiều vào tài thuyết phục của bạn. Tuy vậy tài sản thế chấp là một yếu tố tiên quyết cho các loại vay thế chấp phổ biến hiện nay. Lãi suất cho vay thế chấp nói chung thấp hơn cho vay tín chấp vì được đánh giá là rủi ro thấp hơn tín chấp. 

Để chủ động lên được phương án tài trợ vốn, một cách đơn giản nhất là chủ động dự toán khả năng vay vốn tối đa và nhu cầu vốn cho từng thời kỳ. Liên hệ với nhiều ngân hàng để cho họ biết nhu cầu và năng lực của doanh nghiệp và đàm phán kế hoạch tín dụng chủ động trước khi cần vốn giải ngân.

Các bước xây dựng kế hoạch tài trợ vốn thường gồm 
1/ dự toán giá trị danh mục tài sản có thể thế chấp theo từng thời kỳ.
2/ Xác định nhu cầu vay cho từng thời kỳ.
3/ Chủ động liên hệ với các ngân hàng để đàm phán, chuẩn bị trước thỏa thuận kế hoạch tín dụng với ít nhất hai ngân hàng. Bạn nên mở tài khoản giao dịch tại hai ngân hàng này. Việc chọn ngân hàng phù hợp với doanh nghiệp cũng cần lưu ý bạn nhé!

Ví dụ tính giá trị vốn vay tối đa:

Các loại TS có thể thế chấp
Số dư trung bình dự kiến (triệu đồng)
Tỷ lệ ứng trước.
Tỷ lệ này có thể đàm phán theo từng ngân hàng và ngành nghề kinh doanh
Số tiền tối đa có thể vay
(triệu đồng)
1. LC bán hàng đang thực hiện
1,000
100%
1,000
2. Các khoản phải thu ngoài LC, trừ các khoản có tuổi nợ trên 90 ngày
2,000
70%
1,400
3. Hàng hóa không bao gồm hàng chậm luân chuyển, hàng giữ hộ
2,000
50%
1,000
4. Vật tư không bao gồm phế loại, vật tư giữ hộ
1,000
50%
500
5. TSCĐ (giá trị ròng), không bao gồm tài sản đi thuê
5,000
50%
2,500
Tổng cộng
11,000

6,400

Một khi các tài sản đã được đưa vào hợp đồng vay thế chấp, thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm duy trì giá trị tài sản thế chấp có tỷ lệ tương ứng với giá trị khoản vay thực tế. Trong trường hợp giá trị tài sản thế chấp thấp hơn giá trị vay, thì lãi suất cao hơn sẽ được áp dụng, thậm chí vốn vay sẽ bị thu hồi. Vì vậy CFO hay người phụ trách tài chính cần có một kế hoạch rõ ràng trong việc duy trì các tài sản thế chấp này vào cuối kỳ báo cáo hoặc bất kỳ thời điểm nào ngân hầng yêu cầu báo cáo. Ví dụ bạn sử dụng hàng hóa vật tư làm tài sản thế chấp. CFO cần làm việc với các bộ phận liên quan ( bộ phận mua hàng, bán hàng, sản xuất) trong việc đảm bảo duy trì số dư hàng hóa vật tư tại thời điểm báo cáo cuối tháng/ cuối quý để không vi phạm hợp đồng vay.

Hơn nữa, trong hợp đồng vay thường có các điều kiện trói buộc để đảm bảo an toàn cho khoản  vay như Tỷ lệ nợ tại mọi thời điểm không vượt quá hai lần vốn tự có. Nếu tỷ lệ này bị phá vỡ, ví dụ tỷ lệ nợ lên 3 lần vốn tự có thì một mức lãi suất vay cao hơn nhiều sẽ được áp dụng vì khi đó ngân hàng đánh giá mức độ rủi ro tài chính ở mức cao hơn. 

Việc cần làm là gì? CFO cần lên kế hoạch cụ thể để đảm bảo điều kiện này không bị vi phạm, theo vài gợi ý sau:
- Yêu cầu các nhà cung cấp chuyển hàng vào ngày 1/1 thay bằng ngày 31/12.
- Yêu cầu các bên cung cấp phát hành hóa đơn vào ngày 1/1 thay bằng 31/12.
Khác nhau chỉ có 24 tiếng nhưng sẽ giúp doanh nghiệp không vi phạm hợp đồng vay!
- Tăng cường thu nợ vào cuối kỳ báo cáo để trả bớt số tiền vay, tiền nợ để đảm bảo tỷ lệ nợ trong phạm vi cam kết.
- Áp dụng chính sách chiết khấu "khủng" với các khoản nợ thu được sớm hơn trước ngày báo cáo, ví dụ giảm nợ 2%-5% nếu trả nợ trước 31/12
- Áp dụng chính sách trả tiền hoa hồng bán hàng cho nhân viên bán hàng căn cứ vào số thực thu thay bằng doanh số ghi trên hóa đơn để lôi cuốn đội ngũ bán hàng tích cực tham gia thu nợ.

Có lẽ trong hầu hết các lần tôi tiếp xúc với ngân hàng hay với các tổ chức đầu tư thì yêu cầu đầu tiên là một bản copy báo cáo kiểm toán 3 năm gần nhất. Các ngân hàng luôn dựa vào báo cáo tài chính được kiểm toán để xếp loại rủi ro cho doanh nghiệp và mức lãi suất cao hay thấp áp dụng cho bạn cũng phụ thuộc nhiều vào việc doanh nghiệp có báo cáo tài chính hay không? Ai kiểm toán và ý kiến của họ trên báo cáo tài chính như thế nào. Vì vậy, bạn hoặc CFO của bạn cần chuẩn bị báo cáo tài chính được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán phù hợp nếu bạn muốn nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ phía ngân hàng hay nhà cung cấp khi bạn lâm vào tình trạng thiếu vốn kinh doanh.

Việc lựa chọn công ty kiểm toán phù hợp cũng rất quan trọng không chỉ trong việc huy động vốn mà nhiều vấn đề quản trị khác.  Lựa chọn nhà kiểm toán như thế nào là việc quan trọng đối với doanh nghiệp hay CFO của bạn, sẽ được đề cập trong các bài viết tiếp theo của tôi.         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người theo dõi